Không có nghề nào mà không có điểm hay, có điều lý thú. Chỉ khi ta hiểu sâu về nó, biết rõ về nó, mới thấy hay, thấy thích, từ đó sinh yêu nghề, yêu việc mình làm.
Steve Jobs từng nói: “Công việc sẽ lấp đầy một phần lớn cuộc đời của bạn, cách duy nhất để thực hiện thỏa mãn là làm thứ bạn tin rằng nó tuyệt vời. Và cách duy nhất để làm thứ gì tuyệt vời là yêu cái bạn làm. Nếu bạn chưa tìm ra, hãy kiên trì. Đừng thỏa hiệp.” Với nhiều người đã biết được đam mê của mình là gì thì mọi thứ trở nên rõ ràng. Tuy nhiên với những người không biết mình giỏi gì, không biết mình thích gì thì cần nhiều thời gian và dốc lòng cho công việc.
Đặt hết tình yêu vào công việc
Câu chuyện về nghệ nhân làm sushi nổi tiếng thế giới Jiro Ono là điển hình cho điều này. Ông là nghệ nhân sushi Nhật Bản đầu tiên có nhà hàng đượC xếp hạng ba sao của tổ chức Michelin danh tiếng, và được chính phủ Nhật Bản tuyên bố là national treasure – báu vật quốc gia.
Khi được phỏng vấn trong bộ phim tài liệu Jiro dreams of sushi (tạm dịch: Jiro mơ về sushi) của đạo diễn David Gelb, ông nói: “Đã xác định con đường nghề nghiệp của mình thì phải hết lòng với công việc. Ta phải đam mê việc mình làm. Không bao giờ phàn nàn về công việc. Dành hết cả đời để đạt đến sự hoàn hảo. Đó là bí mật thành Công và bí quyết để được vinh danh.”
Yamamoto, tác giả ẩm thực Nhật Bản, nói rằng, điều khiến Jiro thành công là làm việc nghiêm túc và liên tục thể hiện trình độ cao nhất. Ông luôn mong muốn nâng cao tay nghề, và làm việc chăm chỉ. Làm việc không ngừng, làm đi làm lại một thứ mỗi ngày, bất kể mình có vui hay không.
Bộ phim không nói về thời trẻ của Jiro, không kể về con đường Jiro đến với sushi, không cho ta biết liệu Jiro thời trẻ có đột nhiên phát hiện ra sushi là đam mê của đời mình hay không. Nhưng qua cách làm việc chu đáo cẩn thận của ông, qua bao nhiêu năm kinh nghiệm, mà ông vẫn mày mò đi lên trên con đường làm sushi của mình, người xem biết rằng Jiro đã đặt tất cả tình yêu của mình vào công việc.
Ông bảo: “Tôi chỉ muốn làm sushi ngon hơn thôi. Tôi làm đi làm lại một thứ và tiến bộ từng chút một. Tôi cứ muốn đạt được nhiều hơn nữa. Tôi cứ leo đến khi lên đỉnh. Nhưng chẳng ai biết đỉnh nằm ở đâu.” Có lẽ vì thế mà sushi của Jiro đã vượt mức đỉnh của nhiều người, trở thành đỉnh của thế giới. Có lẽ vì sự hết mình, mong muốn đạt đến sự hoàn hảo này mà những người Nhật như Jiro khiến cả thế giới nể phục và tinh thần làm việc của mình.
Cửa hàng sushi ở Tokyo của Jiro từng tiếp đón thủ tướng Nhật Shinzo Abe và tổng thống Mỹ Barrack Obama. Một bữa ăn tại cửa hàng của ông có giá từ 30.000 yên trở lên (gần 5 triệu đồng), và số lượng thực khách đến ăn đông đến nỗi người ta phải đặt chỗ trước ít nhất là một tháng.
Jiro đã làm sushi được 75 năm, ông nói rất khó để dừng lại. Quả thật, có một số người đã theo đuổi một ngành nghề, một sự nghiệp nào đó khá lâu và khó có thể từ bỏ tất cả để làm lại từ đầu. Điều thích hợp nhất là thay vì từ bỏ, hãy tập trung hết sức vào công việc hiện tại, đổ hết năng lượng vào công việc mình làm. Dồn hết tình yêu vào ngành nghề mà mình đã lựa chọn.
Yêu nghề sẽ tìm được đam mê
Bất kể ngành nghề gì cũng có những điểm có thể khiến bạn yêu hay ghét. Nếu bạn chỉ tìm thấy ưu điểm hoặc chỉ thấy được nhược điểm ở trong con người, ngành nghề, sự vật sự việc nào đó thì chứng tỏ bạn chưa tìm hiểu đủ sâu.
“Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để khám phá ra những giá trị còn tiềm ẩn trong bất cứ công việc gì, từ đó bắt tay vào và hiện thực hóa bản ngã thông qua công việc ấy”, giáo sư Hàn Quốc Kim Rando từng viết trong cuốn sách Tương lai nghề nghiệp của tôi.
Vì thế với những người đã ra trường, đi làm, theo đuổi chuyên môn từ lâu và khó thay đổi nghề nghiệp thì chú tâm vào những điểm yêu thích cảu ngành nghề mình đang làm, đào sâu học hỏi nó là một cách để xây dựng sự nghiệp. Khi bạn càng chuyên sâu, xuất sắc thì lại càng tạo ra được giá trị, càng thấy tự tin về chính mình và càng cảm thấy yêu thích công việc hơn.
Không có nghề nào mà không có điểm hay, có điều lý thú. Chỉ khi ta hiểu sâu về nó, biết rõ về nó, mới thấy hay, thấy thích, từ đó sinh yêu nghề, yêu việc mình làm. Cho dù là loại công việc gì. Ngay cả những công việc tưởng chừng nhỏ bé vụn vặt như quét rác, lau nhà, như bưng bê, cọ toa lét.
Phương Duy – timviecgap.vn
Nguồn: cv.com.vn